Hướng đi mới cho sản phẩm khoai sáp

Đưa sản phẩm vào siêu thị là hướng đi của Tổ liên kết (TLK) trồng khoai sáp Đồng Bé (xã Cam Hòa, Cam Lâm, Khánh Hòa).

Cách làm mới

Thành lập tháng 6-2012 với 12 thành viên, TLK trồng khoai sáp Đồng Bé có diện tích canh tác hơn 10ha. Trước đây, phần lớn diện tích đất này được các thành viên trong TLK sản xuất lúa 2 vụ. Tuy nhiên, nhận thấy việc trồng khoai sáp mang lại hiệu quả cao nên các thành viên đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng. Để tạo điều kiện cho TLK hoạt động hiệu quả và nâng cao năng suất, Hội Nông dân tỉnh đã cho tổ vay 200 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện Cam Lâm hỗ trợ tổ 5 triệu đồng để mua giống, phân bón. Bên cạnh đó, thành viên trong tổ tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây khoai sáp do Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức…

Theo ông Bùi Sương – Tổ trưởng TLK, các thành viên trong tổ luôn hỗ trợ nhau từ vốn, giống, phân bón đến việc thu hoạch sản phẩm. Trước tình trạng tư thương ép giá do nông dân xuống giống và thu hoạch khoai sáp cùng thời điểm, các thành viên trong tổ đã lên kế hoạch sản xuất đan xen nhau để có thể luân phiên thu hoạch sản phẩm. Với cách làm này, TLK không những hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá mà còn có thể hỗ trợ công lao động cho nhau trong sản xuất. Bên cạnh đó, các thành viên còn tìm tòi, đổi mới cách chọn giống nhằm rút ngắn thời gian sản xuất và đem lại năng suất cao hơn. “Trước đây, giống khoai được lấy từ phần thân phía trên củ khoai khi thu hoạch; còn hiện nay, các thành viên trong tổ đã lấy giống bằng cách tách cây con (ngó khoai) từ thân cây mẹ. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi cây phát triển nhanh và ít tốn kém chi phí hơn trước”, ông Sương chia sẻ.

Hiện nay, chi phí đầu tư trung bình cho 1ha trồng khoai sáp khoảng từ 6 đến 7 triệu đồng; năng suất thu hoạch trung bình từ 1,5 đến 1,6 tấn/ha. Với giá bán hiện nay khoảng 10.000 đồng/kg, 1ha khoai sáp, mỗi hộ thành viên thu lãi khoảng 7 – 8 triệu đồng. Từ việc làm ăn có hiệu quả, tổ đã tự thành lập quỹ để cho các thành viên vay không tính lãi.  

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Do lợi nhuận thu được cao hơn sản xuất lúa nên những năm qua, nông dân xã Cam Hòa đã chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa 2 vụ để trồng khoai sáp. Đầu năm 2012, toàn xã chỉ có 25ha, nhưng đến nay đã có hơn 40ha đất trồng khoai sáp. Ông Trần Vỹ Long – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hòa cho biết: “Với chi phí đầu tư và giá cả thị trường như hiện nay, người trồng khoai sáp rất ít khi lỗ. Tuy nhiên, khi diện tích và số hộ nông dân tham gia trồng khoai sáp ngày càng nhiều thì việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm là vấn đề cần được quan tâm”.

Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng và tổ chức Hội Nông dân, TLK trồng khoai sáp Đồng Bé đã liên kết với tư thương đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong siêu thị. Để có những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, TLK đã hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất; đồng thời chọn lựa kỹ về chất lượng và mẫu mã sản phẩm khi đưa vào siêu thị. Bà Huỳnh Thị Yên (thôn Lập Định, xã Cam Hòa) – tư thương chuyên thu mua khoai sáp trong vùng cho biết: “Mỗi ngày, tôi thu mua khoảng 2 – 3 tấn khoai sáp ở các vùng trong và ngoài huyện. Khoai sáp trồng ở xã Cam Hòa được thị trường ưa chuộng hơn vì độ dẻo, tinh bột nhiều và mẫu mã đẹp. Tôi cũng đã liên kết với TLK trồng khoai sáp Đồng Bé và các hộ nông dân để đưa khoai sáp vào tiêu thụ ở Siêu thị Maximark Nha Trang và TP. Hồ Chí Minh. Tuy số lượng tiêu thụ chưa nhiều (khoảng 100 – 200kg/ngày) nhưng giá cao (tăng từ 2 đến 3 ngàn đồng/kg) và ổn định hơn thị trường bên ngoài”.

Tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm vẫn luôn là bài toán khó đối với nông dân. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ, phối hợp của Hội Nông dân, tư thương, ngành chức năng, các thành viên trong TLK trồng khoai sáp Đồng Bé đã tìm được hướng đi cho sản phẩm của mình.

MAI HOÀNG 

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

Scroll
Messenger Messenger
Google Map Google Map
Zalo Zalo
Gọi ngay Gọi ngay